CHUYẾN TỪ THIỆN ĐẾN ĐẠ CHAIS
"Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường...."
Những giai điệu rộn rã trong lòng vang lên, chúng tôi lên đường tổ chức một đêm nhạc vùng cao cho các bé thiếu nhi tại một làng dân tộc thiểu số người K'ho tại Đạ Chais tên K'Long K'Lanh. Xe chúng tôi cứ thế lăn bánh trong một đêm cuối tháng chín, mang theo quà bánh, lồng đèn và những tấm lòng gửi đến đồng bào phương xa dịp trăng rằm.
Chúng tôi đến nơi trong một buổi sáng mưa phùn miền núi. Cái thời tiết vùng Đà Lạt dù đến nhiều lần, lúc nắng, lúc mưa, lúc lạnh lẽo nhưng bao giờ cũng mang lại một cảm giác thoải mái, nhẹ nhàng đến trong trẻo. Vì mùa này hay mưa nên chúng tôi quyết định tổ chức đêm nhạc trong nhà thay vì ngoài trời. Trong khi một nhóm chúng tôi bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cho đêm nhạc, một nhóm khác chia lên đồi cao trồng rừng với hy vọng một ngày không xa đồi cà phê chỉ một màu xanh lá này sẽ được điểm trang bằng một hàng hoa anh đào hồng hồng xinh xinh.
Quay lại với công tác chuẩn bị, mấy đứa nhỏ trong làng cũng tham gia lắp ráp lồng đèn cho sự kiện. Những chiếc lồng đèn các em đang say mê lắp ráp sẽ là những món quà dành tặng cho sự nhiệt tình của chính các em. Đối với bọn trẻ con vùng xa, những chiếc lồng đèn màu sắc kia cũng mang niềm vui đặc biệt với các em. Hẳn là niềm vui đó các em phải háo hức chờ đợi lắm, chờ đợi đến quên cơm trưa nhà và chờ đợi mặc kệ cả trời đang mưa ngày một nặng hạt. Khi chúng tôi trở về từ buổi cơm trưa của đoàn, các em vẫn đứng lấp ló ngoài hiên nhà văn hóa, có lẽ vì sợ nếu quay về thì những niềm vui chợt đến sẽ biến mất.
Rồi chiều dần buông, sân khấu đã sẵn sàng, may mắn thời tiết không phụ lòng người. Thay vì tổ chức trong nhà, sân khấu chúng tôi được dựng ngoài trời và có thể chào đón nhiều bà con đến chung vui hơn. Người già dẫn theo em nhỏ, phụ nữ địu con trên lưng, các em nhỏ dắt tay nhau đến với chúng tôi. Trong tiếng nhạc, tiếng vỗ tay, sự giao lưu, những ánh mắt trẻ thơ ánh lên niềm vui và sự thích thú. Trong khi đêm nhạc đang diễn ra, chúng tôi có chút thời gian đi dạo quanh làng, ngắm nhìn dòng sông chạy bao quanh ngôi làng xinh đẹp với núi non xa xa, hóa ra đây là lý do nơi đây tên là K'Long K'Lanh, mang ý nghĩa của một dòng sông. Chúng tôi ghé qua một vài hàng quán địa phương, uống ly nước mía vùng cao sao mà thấy ngon hơn nước mía dưới thành thị, mua vài chiếc bánh và trò chuyện vài ba câu với dân làng. "Hôm nay đoàn đến chắc xóm sẽ may mắn lắm", một chị chủ sạp tạp hóa địa phương bất giác nói trong hoan hỉ. Nghĩ cũng đúng, từ hồi dịch đến, du lịch khó khăn hơn, cuộc sống bà con cũng mang nhiều mối lo hơn.
Chúng tôi không hy vọng mang đến ấm no trong những chuyến từ thiện thế này, vì chúng tôi hiểu tặng chút quà hay quyên góp chút tiền bạc, vật chất không giúp được cho sự phát triển bền vững của địa phương. Thứ chúng tôi muốn làm nhiều hơn thế và từng ngày chúng tôi vẫn đang cố gắng để làm được điều chúng tôi muốn về sự phát triển bền vững trong mơ ước của chúng tôi. Trong những chuyến đi ngắn này, chúng tôi hy vọng mang đến chút âm nhạc, chút tiếng cười, chút ấm áp, chút kết nối và sẻ chia từ thành thị đến nông thôn, chút năng lượng tích cực để bọn trẻ ánh lên niềm vui trong đôi mắt, để những người mẹ, người cha, người bà, người ông cùng ngồi xuống, tạm gác âu lo hàng ngày, thưởng thức chút văn nghệ mà những người trẻ như chúng tôi mang đến bằng cả tấm lòng.